Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích chanh lên trên 1.000 ha tập trung tại hai huyện vùng ngập lũ phía Tây tỉnh là Cai Lậy, Cái Bè. Chanh bông tím là giống chanh mới cho năng suất, sản lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Một số địa bàn có diện tích chanh bông tím tập trung lớn, cho sản lượng hàng hóa cao như: Tân Thanh, Thiện Trí, Hòa Khánh (Cái Bè) và một số xã nằm phía Nam huyện Cai Lậy, tiếp giáp với sông Tiền.
Trong mùa khô năm nay, thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài, nhu cầu chanh trên thị trường rất lớn nên giá chanh những ngày vừa qua tăng vọt từ 25.000 đồng đến 30.000 đ/kg là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay nên nhà vườn rất phấn khởi. Bình quân mỗi ha đất trồng chanh đạt năng suất 10 - 12 tấn/ha/năm cho bà con lợi nhuận từ 20 đến 30 triệu đồng. Đây là động lực giúp nhà vườn áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, chăm sóc phù hợp, đặc biệt là tác động cho chanh ra trái nghịch mùa, nghịch vụ để đạt giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, nhờ lợi thế các ô đê bao ngăn lũ bảo vệ cho vùng trồng cây ăn trái chuyên canh tại hai huyện Cái Bè và Cai Lậy, mở ra hướng phù hợp chung sống với lũ lụt sông Cửu Long cũng là động lực giúp nhà vườn mở rộng diện tích các cây trồng đặc sản như: xoài, chanh, cam sành. Bên cạnh đó, nhà vườn cũng quan tâm tuyển chọn cây giống tốt, sạch bệnh, chất lượng cao nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho cây ăn trái đặc sản địa phương - mà điển hình là bà con đang chuyển đổi từ trồng giống chanh thường năng suất kém sang giống chanh bông tím tại những vùng cây ăn quả có múi tập trung.
Ngoài ra, để giúp ổn định đầu ra cho cây chanh với chất lượng tốt, tạo được tín nhiệm trong người tiêu dùng, tỉnh đã thành lập HTX trồng chuyên canh chanh tại Tân Thanh (Cái Bè). Đây là hướng đi đúng tạo mối liên kết 4 nhà vững chắc cũng như mở đường cho việc trồng, tiêu thụ nông sản sạch theo hướng hội nhập. Theo bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cái Bè, sắp tới, chanh bông tím được coi là một trong những cây ăn quả chủ lực tại địa phương./.