Chí Tân hiện nay là một trong những xã có nghề trồng, chế biến và kinh doanh cây nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất nhì của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Lợi dụng ưu thế của vùng đất bãi phù sa màu mỡ ven sông Hồng rất phù hợp cho các cây nghệ đen, nghệ vàng phát triển, từ lâu người dân Chí Tân đã đưa loài cây dược liệu này vào gieo trồng chuyên canh như một nguồn thu chính.
Nghệ ở đây không chỉ được trồng tập trung trên đất đồng, đất bãi mà còn được trồng khắp các vườn nhà, ngõ xóm, ven đường, xen canh dưới các vườn cây ăn quả. Hầu như nhà nào cũng trồng nghệ, nhà ít 3-4 sào, nhà nhiều tới hàng mẫu, đưa diện tích nghệ toàn xã lên trên 200 mẫu, hàng năm cho sản lượng trên 2.000 tấn sản phẩm chất lượng cao, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Về Chí Tân, Cận tôi học lỏm được một số kinh nghiệm hay trong kỹ thuật canh tác cây nghệ của bà con nông dân, xin ghi lại để bà con các nơi tham khảo, áp dụng.
“Mượn giống”
Ông Nguyễn Văn Chớp ở thôn Nghi Xuyên, mỗi năm trồng 1,3 mẫu nghệ đen, nghệ vàng cho thu trên dưới 100 triệu đồng cho hay: trồng nghệ phải đầu tư vốn khoảng 1,5-2 triệu đồng cho 1 sào Bắc bộ, trong đó phần nhiều là tiền mua củ giống nên đây là một trong những khó khăn không nhỏ đối với những gia đình mới trồng hoặc vốn mỏng. Tuy nhiên, cây nghệ có nét độc đáo là sau trồng 3 tháng, tức tháng 6 hàng năm, khi cây nghệ đã sinh trưởng phát triển ổn định mà chất lượng củ giống vẫn không hề suy giảm nên bà con có thể tiến hành moi đất thu hồi củ giống (củ vốn) làm thương phẩm và lại tiếp tục vùi đất, chăm sóc bình thường.
Biện pháp kỹ thuật này không những không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nghệ mà còn có tác dụng kích thích, thúc đẩy cho cây nghệ lớn nhanh hơn, cho nhiều củ hơn, năng suất cao hơn, chất lượng củ tốt hơn. Các củ giống sau khi thu hồi vẫn đảm bảo chất lượng, bán được giá cao hơn nghệ chính vụ vì là “nghệ trái vụ”, như vậy trồng nghệ coi như không phải đầu tư giống, bà con ở đây thường gọi cách làm này là “mượn giống”. Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý bà con không được xử lý củ giống bằng thuốc hóa học hoặc các chất kích thích sinh trưởng trước khi trồng để tránh ngộ độc cho người sử dụng hoặc làm ảnh hưởng đến chất lượng của nguyên liệu.
Trồng xen
Do củ nghệ giống có thời gian ngủ nghỉ khá dài, thường nằm trong đất từ 35-45 ngày sau mới mọc lên khỏi mặt đất, tranh thủ thời gian này bà con thường gieo xen canh thêm một vụ lạc xuân vừa để che phủ, giữ ẩm cho đất, vừa để tăng thêm thu nhập với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Làm đất, gieo lạc trước xuống giống nghệ khoảng 20-25 ngày (xung quanh tiết Lập xuân), sang tháng 3 trồng nghệ vào giữa 2 hàng lạc. Khi thu hoạch lạc (tháng 5, tháng 6) tiến hành chăm sóc nghệ và moi lấy củ giống đem tiêu thụ. Với cách làm này, mặc dù trồng xen nhưng năng suất lạc vẫn đạt từ 18 đến 20 tạ/sào (80% so với năng suất trồng thuần), đủ chi phí vật tư cho chăm sóc tiếp cây nghệ cho đến cuối năm hoặc đầu năm sau.