Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Gạo xuất khẩu: Giá tốt vẫn thiệt!

LUAGAO- Trong diễn văn khai mạc Đại hội lúa gạo quốc tế lần thứ 3, sáng 9/11/2010 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Sản xuất lúa gạo gắn liền với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc VN. Cây lúa có vị trí rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người VN..."

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính đến 5/11/2010, lượng gạo XK của VN đã gần cán mốc 6 triệu tấn. Kết quả XK gạo của 5 ngày đầu tháng 11, với 73.652 tấn gạo (trị giá 34,104 triệu USD) đã nâng tổng sản lượng gạo XK từ đầu năm lên 5,911 triệu tấn, đạt giá trị 2,505 tỷ USD. Nhìn vào đơn giá bình quân 423,78USD/tấn gạo XK, tuy chưa thể hài long, song nhìn lại kết quả XK gạo và giá bình quân 407,09USD/tấn của năm 2009, thì đây cũng là điều đáng mừng - XK ít hơn hàng trăm ngàn tấn nhưng kim ngạch cao hơn so với cả năm ngoái và thời gian XK vẫn còn gần 2 tháng.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là, ở một đất nước nông nghiệp mà lúa gạo vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn và quan trọng như VN, lại đã hai lần “cứu” nền kinh tế khi gặp khủng hoảng, nhưng người làm ra lúa gạo chẳng thể “cười như được mùa” khi quá trình vận động của lúa gạo vẫn còn rất nhiều điều bất cập.

Gạo xuất khẩu: Giá tốt vẫn thiệt!, Thị trường - Tiêu dùng, xuat khau gao, giá gạo, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp, kinh tế

Khi giá gạo xuất khẩu tốt, người nông dân cũng không được lợi

Giáo sư C. Peter Timmer thuộc Trung tâm phát triển toàn cầu (Center for Global Development), chuyên gia hàng đầu về thị trường lúa gạo thế giới cho rằng: “Một lượng lớn gạo mua bán trên thế giới, trong đó có cả ở VN, được giữ bí mật về giá. Nông dân không thể đoán biết thị trường gạo tương lai nếu cung cầu và giá gạo không được minh bạch. Và họ thường bị thiệt ngay cả khi thế giới giá tốt”. Đó là bởi, theo vị giáo sư này, chính phủ của hầu hết các quốc gia sản xuất lúa gạo đã can thiệp vào hạt gạo, xem nó như mặt hàng chiến lược an ninh lương thực, sự ổn định sẽ gắn liền với chính thể. Do vậy, hệ luỵ từ chính sách tiềm ẩn yếu tố “chính trị hoá hạt gạo” đã can thiệp vào hệ thống phân phối, XNK khiến cho giá lúa gạo nội địa thường bị điều tiết bởi tính chủ quan của nhà nước hơn là theo quy luật thị trường; bởi lúc đó, hạt gạo phải gánh trách nhiệm bình ổn giá cả - nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bất ổn.

Theo các chuyên gia, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010, có hiệu lực từ 1/1/2011) về kinh doanh xuất khẩu gạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tạo ra thay đổi lớn trên thị trường lúa gạo. Đầu tiên là cơ cấu lại thành phần DN tham gia xuất khẩu và tiếp theo là chuẩn bị cho ngành lúa gạo trước làn sóng “đổ bộ” của thương nhân nước ngoài khi VN mở cửa thị trường gạo vào đầu năm 2011.

Nghị định buộc các DN có trách nhiệm hơn với nông dân, bằng chính việc đầu tư vào công đoạn chế biến, dự trữ nhằm nâng cao giá trị hạt gạo thay vì chỉ nhăm nhăm tìm kiếm lợi nhuận. Điều đó tạo ra sức nâng cho khu vực nông thôn, và đặc biệt là nông dân vốn còn yếu kém về nhiều mặt.

Theo 24h.com