Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Giống lúa được công nhận MTL384 và MTL392.

Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn ngày 3/11/2007 công nhận 2 giống lúa: MTL384. MTL392 là giống lúa khu vực hoá-sản xuất thử tại Nam Bộ.

Giống lúa MTL384


height=196
Giống lúa MTL384 có tên gốc là L264-1-4-5-4-2 được chọn lọc từ các dòng phân ly F6 của tổ hợp lai L264 (MTL142 x LTCN1) năm 1999. Trồng quan sát đánh giá năng suất sơ khởi vụ Hè Thu 2002; trắc nghiệm so sánh năng suất từ vụ Đông Xuân 2002-2003; thử nghiệm tính chống chịu phèn tại các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu; trình diễn sản xuất trong vụ Đông Xuân 2004-2005 tại nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); khảo nghiệm quốc gia trong 3 vụ từ Đông Xuân 2004-2005 đến Đông Xuân2005-2006.
Trong điều kiện gieo thẳng ở ĐBSCL giống lúa MTL384 có thời gian sinh trưởng từ 85-90 ngày, trong điều kiện cấy thời gian sinh trưởng kéo dài đến 95 ngày. Đặc điểm thời gian sinh trưởng ngắn của giống rất thuận lợi cho
height=196
việc bố trí mùa vụ ở nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long để né lũ và tránh mặn, phèn.

Giống lúa MTL384 có chiều cao trung bình 80-90 cm, lá thẳng ngắn, thích hợp cho điều kiện thâm canh, số bông/m2 trung bình từ 260-290 bông/m2 (lúa cấy), số hạt chắc/bông thay đổi từ 90-100 hạt, trọng lượng 1000 hạt trung bình 25-27 gam. Năng suất trung bình thay đổi từ 5,4 – 7,3 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và 5,0 – 5,5 tấn/ha trong vụ Hè Thu. Kết quả phân tích phẩm chất hạt cho thấy giống MTL384 có tỷ lệ gạo trắng cao (68,9-70,7%), tỷ lệ gạo nguyên thu hồi cao (57,9%), tỷ lệ gạo bạc bụng thấp (11,8-20% bạc bụng tổng số) trong đó số hạt bạc bụng cấp 9 rất thấp (10-14%), chiều dàì hạt gạo trắng 6,7 mm, hàm lượng amylose cao (28,2%). Gạo trắng trong, có mùi thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giống lúa MTL384 kháng rầy nâu trung bình (cấp 3,3 – 5) và hơi kháng bệnh đạo ôn (cấp 3-5) trong các thử nghiệm trong nhà lưới tại Trung tâm Bảo Vệ Thực Vật phía Nam và Đại học Cần Thơ. Qua sản xuất trong vụ Đông Xuân và Hè Thu 2006 giống MTL384 tỏ ra chống chịu tốt với rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá tại các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu.
Giống lúa MTL384 chịu phèn khá, thích nghi tốt ở cả hai vùng phù sa và vùng đất phèn có cải tạo như vùng Tri Tôn- An Giang, Tân Phước- Tiền Giang, Phụng Hiệp- Hậu Giang, Bạc Liêu. Qua kết quả sản xuất cho thấy giống lúa MTL384 phù hợp ở tất cả các vùng sinh thái ở ĐBSCL, đang phát triển sản xuất mạnh tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tp Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu. Ước tính diện tích sản xuất qua cung ứng giống lúa cấp nguyên chủng vào sản xuất là 195 ha trong vụ Đông Xuân 2005-2006.

Giống lúa MTL392


height=196
Giống lúa MTL392 có tên gốc là L274-4-5-2-7-1-1 được chọn lọc từ các dòng phân ly F7 của tổ hợp lai L274 (LTCN x OM1723) năm 1999. Trồng quan sát đánh giá năng suất sơ khởi vụ Hè Thu 2002; trắc nghiệm so sánh năng suất từ vụ Đông Xuân 2002-2003; trình diển sản xuất trong vụ Đông Xuân 2003-2004 tại nhiều điểm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đánh giá phẩm chất gạo-mùi thơm trong bộ lúa giống phẩm chất ở vụ Hè Thu 2004 và Đông Xuân 2004-2005; khảo nghiệm quốc gia trong 3 vụ từ Hè Thu 2005 đến Hè Thu 2006. Trong điều kiện gieo thẳng ở ĐBSCL giống lúa MTL392 có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, trong điều kiện cấy thời gian sinh trưởng kéo dài đến 100 ngày. Đặc điểm thời gian sinh trưởng ngắn của giống rất thuận lợi cho việc bố trí mùa vụ ở nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long.
Giống lúa MTL392 có chiều cao trung bình 95-100 cm, lá thẳng, bông dài to, thích hợp cho điều kiện thâm canh, số bông/m2 trung bình từ 300-340 bông/m2 (lúa cấy), số hạt chắc/bông thay đổi từ 70-100 hạt, trọng lượng 1000 hạt trung bình 27,0-27,5 gam. Năng suất trung bình thay đổi từ 6,5 – 7,5 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và 5,0 – 5,5 tấn/ha trong vụ Hè Thu. Kết quả phân tích phẩm chất hạt cho thấy giống MTL392 có tỷ lệ gạo trắng cao (70,2 %), tỷ lệ gạo nguyên thu hồi cao (58 – 60 %), tỷ lệ gạo bạc bụng thấp (14-15% bạc bụng tổng số) trong đó số hạt bạc bụng cấp 9 rất thấp (10%), chiều dàì hạt gạo trắng 7,0 mm, hàm lượng amylose thấp (21,0-22,0%), protein cao (11,0%). Gạo trắng trong, có mùi thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giống lúa MTL392 kháng rầy nâu (cấp 1,7 – 3,7) và hơi nhiểm bệnh đạo ôn (cấp 5 -6) trong các thử nghiệm trong nhà lưới tại Trung Tâm Bảo Vệ Thực Vật phía Nam và Đại học Cần Thơ. Qua sản xuất trong vụ Đông Xuân và Hè Thu 2006 giống MTL392 tỏ ra chống chịu tốt với rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá tại các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.
Giống lúa MTL392 thích nghi tốt ở cả hai vùng phù sa và vùng đất phèn có cải tạo như vùng Phụng Hiệp- Hậu Giang. Qua kết quả sản xuất cho thấy giống lúa MTL392 phù hợp cho vùng sinh thái phù sa ngọt ở ĐBSCL, đang phát triển sản xuất mạnh tại các tỉnh Vĩnh Long, Tp Cần Thơ, Hậu Giang.

 

(Nguồn: viện NCPT ĐBSCL)

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét