Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

LÚA LAI F1 TẠI VIỆT NAM VÀ GIỚI THIỆU MỘT SỐ GIỐNG LÚA LAI F1 NĂNG SUẤT CAO, PHẨM CHẤT TỐT THÍCH HỢP CHO CÁC TỈNH PHÍA NAM

LUAGAO - Lúa là cây lương thực chính tại Việt Nam, cung cấp lương thực và là ngành sản xuất truyền thống trong nông nghiệp. Mục tiêu sản xuất lúa đến năm 2010 là duy trì diện tích trồng lúa ở mức 3,96 triệu ha, sản lượng đạt 40 triệu tấn, cao hơn năm 2003 là 5,5 triệu tấn (Thủ tướng Chính phủ, quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/06/ 2005). Để đạt được mục tiêu trên, khả năng mở rộng diện tích không nhiều, và có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái, do vậy chủ yếu phải tăng năng suất. Giống là một biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất hiệu quả nhất. Sử dụng ưu thế lai của cây lúa (lúa lai) để tạo ra những giống lai F1 năng suất cao đang được nghiên cứu và sử dụng trong những năm gần đây.

Việt Nam bắt đầu nghiên cứu lúa ưu thế lai vào năm 1983. Lúa lai thương phẩm được gieo trồng tại Việt Nam từ những năm 1991. Lúa lai đã thể hiện được ưu thế về: tiềm năng năng suất, chịu thâm canh và khả năng chống chịu sâu bệnh. Diện tích lúa lai tăng lên nhanh chóng từ 59 ha năm 1991 lên 584.000 ha năm 2006. Kỷ lục diện tích lúa lai đạt được 600.000 ha và năm 2003. Động lực thúc đẩy phát triển lúa lai với tốc độ nhanh là sự kết hợp của ba yếu tố: tiềm năng ưu thế lai cao về năng suất, sự quan tâm của lãnh đạo và chính sách hợp lý của Nhà nước.

Từ khi du nhập vào Việt Nam, lúa lai phát triển vượt bậc, diện tích sản xuất giống tăng từ 123 ha năm 1994 lên 1.430 ha năm 2007, năng suất hạt giống lúa lai F1 trung bình ở Việt Nam đã đạt khoảng 2,0 tấn/ha, kỷ lục đạt 3,5 – 4,0 tấn/ha tại Nam Định, trên tổng số 1500 – 2000 ha/năm. Hiện tại Việt Nam sản xuất ra 3.500 – 4.000 tấn hạt lai F1/năm; cung cấp 20 – 25 % tổng nhu cầu hạt giống. Lúa lai thương phẩm được phát triển mạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Năng suất bình quân đạt 6,0 – 6,5 tấn/ha, cao hơn lúa thuần từ 15 – 20 %. Các tổ hợp đang được sử dụng gồm: Bác ưu 903, Bác ưu 64, Shan ưu quế 99, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, D ưu 6\527, TH3-3, VL20, HYT 83. Tổng kinh phí khuyến nông dành cho lúa lai là 15 tỷ đồng từ năm 1991 đến năm 2006, kinh phí khuyến nông hỗ trợ sản xuất hạt giống khoảng 52 tỷ đồng từ năm 1994 – 2007. Các vùng chuyên sản xuất hạt giống được hình thành như: Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Nam và Đắc Lắc.

Qua 19 năm (1991 – 2010) công nghệ lúa lai đưa vào Việt Nam, Lúa lai đã có chỗ đứng khá bền vững, nông dân chấp nhận, góp phần đưa công nghệ trồng lúa của Việt Nam vươn tới trình độ cao của khu vực. Lúa lai không chỉ phát triển ở các tỉnh phía Bắc, mà hiện tại đã phát triển mạnh ở các khu vực khác mà trước đây chúng ta cho rằng không thể phát triển như Đồng bằng sông Cửu Long. Một số giống Lúa lai nhiệt đới của một số công ty như Bayer, Giống cây trồng Miền Nam, Bioseed,…đã đưa ra thị trường, và được ưa chuộng trong vài năm gần đây. Sau đây xin giới thiệu một số đặc tính các giống Lúa lai nổi bật ở phía Nam

1. ARIZE B-TE1 – Sự đột phá hoàn hảo

Giống lúa lai Arize B-TE1 là giống lúa lai F1 ba dòng do công ty Bayer CropScience sản xuất và được công nhận giống quốc gia từ tháng 07/2007 cho các tỉnh phía Nam và công nhận cho các tỉnh phía Bắc từ tháng 3/2008 cho tất cả các vụ trong năm

+ Năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20% trong cùng điều kiện canh tác

+ Hạt thon nhỏ, gạo chất lượng cao, cơm mềm, thơm nhẹ, chất lượng nấu ăn tốt, được chấp nhận cao

+ Kháng bệnh đạo ôn tốt (Cấp 1), kháng Rầy nâu trung bình

+ Hạt gạo dài 6,4 – 6,5 mm

+ Tiềm năng năng suất (Năng suất lý thuyết) trên 10 tấn/ha tại ĐBSCL nếu thâm canh tốt

+ Thời gian sinh trưởng (TGST):

++ Miền Nam: Đông xuân: 100 – 107 ngày; Hè thu: 105 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)

++ Miền Trung và Cao Nguyên: Đông xuân: 110 – 115 ngày; Hè thu: 105 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)

+ Lượng giống gieo: 3 – 5 kg/ 1.000 m2 (30 – 50 kg/ha) đối với lúa sạ. Tốt nhất 35 kg/ha

+ Năng suất đạt 8 – 10 tấn/ha. Theo kết quả sản xuất của nông dân ĐBSCL vụ Đông xuân 2007-2008 nếu thâm canh tốt, quản lý sâu bệnh tốt có thể đạt trên 12 tấn/ha

=> Nhược: Hạt B-TE1 ngắn và nhỏ vì thế không đáp ứng cho xuất khẩu, TGST hơi dài nên khó áp dụng cho vùng canh tác 3 vụ lúa trên năm

2. ARIZE XL – 94017 – Hạt dài ngon cơm

Arize XL – 94017 là giống lúa lai F1 ba dòng do công ty Bayer CropScience – chi nhánh Ấn Độ chọn tạo ra. Hạt giống đã được Bộ NN và PTNN công nhận cho Miền Nam và Trung Bộ vào tháng 1/2009

+ Năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20% trong cùng điều kiện canh tác

+ Hạt thon dài 7,3 – 7,4 mm, gạo chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

+ Kháng đạo ôn tốt (Cấp 2), chống chịu rầy nâu trung bình (Cấp 5)

+ Tiềm năng năng suất (Năng suất lý thuyết) trên 10 tấn/ha tại ĐBSCL nếu thâm canh tốt

+ Chiều cao cây 100 – 105 cm, lá đứng, xanh, cứng cây, chống đổ ngã, bông dài nhiều hạt

+ Thời gian sinh trưởng:

++ Miền nam: Đông xuân: 103 – 105 ngày; Hè thu: 108 – 110 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)

++ Miền trung và Cao nguyên: Đông xuân: 115 – 120 ngày; Hè thu: 110 – 115 ngày (lúa sạ, lúa cấy cộng thêm 5 – 7 ngày nữa)

+ Lượng giống gieo: 3 – 5 kg/ 1.000 m2 (30 – 50 kg/ha) đối với lúa sạ. Tốt nhất 35 kg/ha

=> Nhược: TGST hơi dài nên khó áp dụng cho vùng canh tác 3 vụ lúa trên năm



3. PAC 807

- Nguồn gốc: PAC 807 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng, nguồn gốc Ấn Độ, nhập nội bởi Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC), được công nhận là giống quốc gia năm 2007

- Đặc tính chủ yếu:

+ Thấp cây 85 - 95 cm, đẻ nhánh khỏe, bông to (180-200 hạt chắc /bông), hạt gạo dài, trong, không bạc bụng, cơm nở mềm, ngon. Trọng lượng 1.000 hạt 24 g.

+ Năng suất 7 – 8 tấn/ha, cao hơn lúc thuần 10 – 15 % (thâm canh tốt đạt 10 - 11 tấn/ha). TGST ngắn 85 – 90 ngày. Đặc biệt chống chịu tốt rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá

+ Trồng được ở các tỉnh phía Nam (từ Quảng Nam trở vào). Hiện đang trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam như Kiên Giang, Long An, Cần Thơ và Bình Định

4. Bio 404

- Nguồn gốc: Bio 404 là tổ hợp lúa lai hệ ba dòng do Ấn Độ lai tạo, được Công ty Bioseed Việt Nam nhập nội và sản xuất

- Đặc tính chủ yếu:

+ TGST vụ xuân từ 120 – 125 ngày, Bio 404 có khả năng chống đổ tốt, nhiễm bệnh khô vằn nhẹ, chiều cao cây từ 105 – 110 cm, đẻ nhánh khoẻ, tập trung, dạng hình cây gọn, lá màu xanh nhạt, bông to, nhiều hạt, trung bình 176 hạt/bông.

+ Năng suất bình quân 8,05 tấn/ha

+ Bio 404 thích hợp cho cả vùng từ Bình Định trở ra phía Bắc và phía Nam

*Lưu ý: Không dùng lúa thịt để làm giống vụ sau, năng suất không đảm bảo vì không còn ưu thế lai. Hạt giống đã được sử dụng hóa chất nên không được sử dụng cho người và gia súc, gia cầm

Nguyễn Chí Côngchicong1002@gmail.com