Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN ĐỒNG

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA LƯƠN ĐỒNG

 

height=246

 

              Theo Mai Đình Yên (1978), Trần Thị Thu Hương và Trương Thủ Khoa (1984) ở nước ta chỉ có một loài lươn có tên khoa học Fluta alba (Zuiew). Loài có một số đặc điểm sinh thái và sinh học như sau

 

1. Tập tính sống

             

Lươn là loài ưa sống chui rúc trong bùn đặc biệt trong lớp mùn bã hưu cơ có nhiều sinh vật đáy. Chúng ta cũng bắt gặp lươn chui rúc trong các đống cỏ, rơm rạ trong ruộng hoặc ao mương. Ngoài ra lươn cũng có tập tính đào hang ven bờ ao, mương để trú ẩn và làm tổ đẻ.

 

2. Tập tính bắt mồi

             

Lươn là loài ăn tạp nhưng thiên về động vật, đặc biệt thức ăn có mùi tanh như tôm, cá, nòng nọc... Ngoài ra lươn cũng có thể sử dụng nhiều loại thức ăn khác như phụ phẩm của lò mỗ, đồ phế thải của nhà bếp kể cả thức ăn viên dành cho gia cầm.

 

3. Tập tính sinh sản

             

Lươn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có 2 mùa đẻ trong năm là tháng 5 - 6 và tháng 8 - 9. Lươn thường đẻ trong tổ và làm bọt lấp kín miệng tổ, sau khoảng 7 - 8 ngày ở nhiệt độ 29 – 30 0C trứng nở ra lươn con và sau khoảng 10 ngày lươn con đã tiêu hết noãn hoàng và thóat ra khỏi tổ đi kiếm ăn.

              Thức ăn của lươn ở giai đoạn này là giống loài động vật thủy sinh trong nước như giun ít tơ, bọ gậy...

 

4. Tập tính sinh trưởng của lươn

             

Lươn là loài động vật thủy sinh lớn chậm, trọng lượng trung bình của lươn sau 12 tháng có thể đạt 100 - 150g/con và sau 12 tháng có thể đạt từ 200 – 3000 g/con.

 

II. GIÁ TRỊ KINH TẾ CỦA LƯƠN

 

              Lươn là một trong đối tượng dễ nuôi, có nhiều loại thức ăn khác nhau và có thể tận dụng những ao mương nhỏ và cạn kể cả chuồng heo cải tạo lại để nuôi.

 

              Nuôi lươn ở quy mô hộ gia đình ngoài vấn đề tận dụng lao động nhàn rỗi, thức ăn thừa của gia đình, của chăn nuôi mà còn có thể tăng thêm thu nhập góp phần cải thiện đời sống gia đình, và đặc biệt thích hợp với các gia đình có nguồn vốn eo hẹp.

 

III. KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN THỊT

 

A. Một số phương pháp nuôi lươn thịt

             

Do lươn có tập tính sống chui rúc trong bùn đáy và đào hang để trú ẩn, đồng thời lươn cũng có thể bò đi mất nếu bờ ao không đủ cao. Do vậy vấn đề nuôi lươn trong các ao mương cần phải hết sức chú ý vấn đề này.

              Tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà có thể áp dụng một số phương pháp nuôi sau đây

 

1. Nuôi trong các hồ cement hoặc chuồng nuôi heo cải tạo lại

 

              - Diện tích hồ nuôi có thể từ  4 - 6  hoặc 10 m2, tùy điều kiện cụ thể.

              - Thành hồ phải đảm bảo độ cao để lươn không bò ra ngoài được. Độ cao tối thiểu của thành hồ tính từ mặt bùn đáy trở lên phải cao hơn 2/3 chiều dài của lươn (ví dụ: lươn dài 50 cm có khả năng bò qua bờ có chiều cao 30 - 35 cm).

              - Sau khi đã sửa sang hồ xong nên đổ một lớp sình non dưới đáy hồ 20 - 25 cm (tốt nhất lấy sình đất thịt pha sét). Cũng có thể dùng chuối cây xếp thành một lớp dưới đáy rồi đổ sinh phủ lên trên. Trên mặt nước có thể thả lục bình hoặc bèo tai tượng khoảng 1/3 diện tích.

              - Hồ nuôi lươn nên bố trí ống bọng để thay nước dễ dàng

 

- Hồ cement dùng để nuôi lươn bao gồm

1. Ống cấp nước (5 cm)

2. Lớp sình 20 - 25 cm

3. Lớp nước 5 - 10 cm (tính từ mặt sình lên)

4. Ống thoát nước (5 cm)

5. Thành hồ bằng gạch xây, có gờ nhằm tránh cho lươn thóat ra ngoài.

2. Nuôi lươn trong các ao mương

 

Các ao mương nhỏ có thể tận dụng để nuôi lươn. Nhưng cần chú ý các vấn đề sau:

              - Cần phải vét hết lớp bùn đáy tới lớp đất dẻo, lớp bùn này có thể phơi ráo nước hoặc khô để sau này trả lại đáy ao.

              - Dùng cát đổ xuống đáy ao một lớp 5 - 10 cm. Tốt nhất trộn vôi với cát rồi lắng xuống đáy để sau này lươn không đào sâu được. Có thể trộn vôi với cát theo tỷ lệ 5 - 6 kg vôi trộn với 1m3 cát.

              - Sau khi trộn xong, láng khắp đáy hồ và đầm nén cho cứng. Bờ ao cũng phải lấp hết hang hốc và đầm cho cứng.

              - Đổ một lớp sình khoảng 20 - 30 cm, tốt nhất nên sứ dụng bùn mới hoặc sử dụng lại bùn đáy mới vét lên đã được phơi khô.

              - Cần phải đắp một cù lao ở giữa ao, mương để hạn chế lươn đào hang xung quanh bờ. Diện tích cù lao thường chiếm khoảng 1/4 - 1/5 diện tích ao hồ. Nếu mương dài và nhỏ thì nên đắp cù lao ở một phía bờ mương hoặc giữa mương. Cù lao phải cao hơn mực nước 5 - 10 cm nhưng phải thấp hơn bờ ao 50 - 60 cm. Trên mặt cù lao có thể trồng cỏ hoặc các loại khoai môn nước

 

3. Nuôi lươn trong hồ đất đắp có lót cao su

 

              - Chọn nơi đất cứng đđào hồ nuôi lươn. Thông thường chỉ nên đào sâu khoảng 0,3 - 0,5m, lấy đất này đắp lên thành bờ. Đáy và bờ phải được đầm nén cho kỹ.

              - Diện tích đào và đắp tùy theo điều kiện cụ thể, thông thường nên đào và đắp hồ có diện tích 10 – 12 m2.

              - Dùng cao su (loại dùng để phơi lúa) để lót toàn bộ đáy và thành hồ

 

- Hồ đất lót cao su nuôi lươn

1. Lớp cao su lót đáy và thành hồ đất

2. Lớp bùn

3. Cù lao

4. Phần đất đắp bờ

5. Mặt đất trước khi đào hồ

6. Lớp nước trong hồ 10 - 15cm

 

              - Sau khi lót cao su xong, đổ một lớp sình 20 - 25 cm và đắp một cù lao (có thể đắp ở giữa hồ hoặc một phía nào đó của hồ). Cù lao phải đắp cao hơn mặt nước 5 - 10 cm và thấp hơn bờ khoảng 40 - 50 cm.

              - Sau khi hoàn tất việc lót cao su, đắp cù lao và tạo một lớp bùn đáy thì cấp nước vào. Mực nước trung bình 10 - 15 cm.

 

B. Thả giống lươn

 

              Nguồn lươn giống hiện nay ở Đồng Bằng Sông Cửu Long chủ yếu được đánh bắt ở ngoài tự nhiên. Kích thước lươn giống bắt được dao động rất lớn và phụ thuộc vào mùa vụ. Thông thường lươn giống vào tháng 8 - 10 theo phương pháp xúc mô có chất lượng cao hơn so với lươn đánh bắt bằng phương pháp đặt chúm, câu hoặc tát đìa. Lươn giống đánh bắt theo phương pháp xúc mô thường có kích thước đều (60 – 70 con/kg) và khỏe mạnh.

 

              Khi thả lươn chúng ta nên chú ý không nên thả lươn quá lớn (100g/con) vì loại này khi đánh bắt đã bị vuốt cho gãy xương sống cho khỏi bò mất, do vậy lươn sẽ chết sau 7 - 10 ngày thả. Ngoài ra lươn đươc đánh bắt bằng mồi thuốc dân gian cũng không nên thả vì loại này cũng dễ chết sau khi thả vài ngày và thường chết rộ sau khi thả 10 - 15 ngày.

 

              Nói tóm lại, lươn có kích thước lớn, lươn đánh bắt bằng mồi thuốc, lươn loại nhỏ ở các vựa thu mua chúng ta không nên thả vì loại này thường có tỷ lệ chết rất cao khi thả nuôi.

              Mật độ thả: Mặc dù lươn có khả năng chịu đựng tương đối cao nhưng không nên thả quá dầy. Nếu thả mật độ cao sẽ dẫn đến tình trạng lươn lớn không đều. Trung bình thả 1,0 - 1,5 kg/m2 đáy hồ, ao.

             

Trước khi thả lươn cần xử lý qua nước muối 3 – 5 % trong 5 - 7 phút hoặc tấm lươn trong dung dịch Malachite green 5 - 7 ppm trong 15 - 20 phút để phòng bệnh cho lươn.

 

C. Chế độ chăm sóc

 

1.   Thức ăn

 

              Do lươn ăn rất tạp nên có thể sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau để nuôi. Tuy nhiên những loại thức ăn có nguồn gốc là động vật như tép, óc, cá, nòng nọc, ruột gà, vịt... thường có tác dụng làm lươn lớn rất nhanh so với thức ăn có nguồn gốc thực vật như cám.

              Chúng ta cũng có thể sử dụng các loại thức ăn cho gia cầm hiện nay để nuôi lươn hoặc tự phối chế thức ăn đơn giản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để nuôi lươn vẫn có thể đem lại kết quả tốt như sau:

 

              - Cám nhuyễn: 64%

              - Bột cá lạt: 35%

              - ADE + bột gòn + khoáng: 1%

              - Trộn đều các thứ sau đó cho vào máy ép đùn thủ công để tạo thành thức ăn viên, phơi khô (viên thức ăn lớn hay nhỏ tùy theo kích thước của lươn).

             

Lượng thức ăn cho mỗi ngày chiếm 5 – 7 % trọng lượng thân và nên cho ăn 2 - 3 lần trong ngày. Không nên cho tất cả lượng thức ăn dồn vào một lần vì làm như vậy lươn ăn không hết, thức ăn phân hủy gây thối nước, lươn dễ bị bệnh. Thức ăn nên được rải đều (đặc biệt gần khu vực cù lao là nơi lươn trú ẩn) để lươn có cơ hội ăn được nhiều hơn.

 

 

2. Quản lý hàng ngày

 

              - Cần phải giử môi trường nước luôn sạch sẽ và mát. Trung bình 3 - 4 ngày thay nước 1 lần cho lươn.

              - Khi thời tiết nóng kéo dài cần phải có biện pháp che mát cho ao hồ nuôi hoặc dùng lục bình thả trên mặt hồ với diện tích khoảng 20 – 25 % mặt nước.

              - Khi trời mưa to cần kịp thời rút bớt nước đề phòng nước đầy tràn bờ lươn trốn mất.

              - Thường xuyên theo dõi để loại bỏ lươn chết (lươn bị bệnh hoặc sắp chết thường nằm trên mặt bùn đáy) tránh thối nước.

 

(nguồn www.khuyennongvn.gov.vn/ )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét