Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Quy trình trồng cam

1. Chuẩn bị đất và trồng hàng rào chắn gió

+ Chọn địa điểm làm vườn: Xa các vườn cây ăn quả có múi đã bị nhiễm bệnh virus hoặc tương tự virus, bệnh vi khuẩn như bệnh loét.

Không trồng trên các vườn đã trồng cây ăn quả có múi cũ đã có triệu chứng tiền nhiễm tuyến trùng hoặc các bệnh nấm như Phytophthora.

Không nên trồng trên các vùng quá khô hạn, xa nguồn nước tưới hoặc nơi đất trũng, khó thoát nước.

Vùng trồng thích hợp có thể từ cao nguyên Trung bộ từ Bảo Lộc ra Bắc.

+ Vệ sinh đồng ruộng: Chặt bỏ các cây có múi bị bệnh virus hoặc tương tự virus ở vùng xung quanh.

Giải phóng đất sớm trước khi trồng. Nếu là đất chu kì 2 nên trồng 2-3 vụ cây họ đậu để cải tạo đất.

+ Tạo cách ly không gian với các vùng xung quanh để tránh các vectors lây nhiễm bệnh: Trồng hàng cây chắn gió, tốt nhất nên trồng bạch đàn, keo tai tượng, cao su... Hàng cây chắn gió có thể ngăn được một số loài sâu bệnh hại, vectors truyền bệnh và ngăn cản được những đợt gió mạnh và nóng đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung bộ... làm giảm nhiệt độ và giảm thoát nước bề mặt khi gặp gió Tây Nam.

+ Thiết kế lô, thửa, xây dựng hệ thống chống xói mòn, hệ thống tưới và thoát nước.

+ Chọn cây ngắn ngày trồng xem thích hợp, nhất là cây họ đậu.

2. Thời vụ trồng: Ở các tỉnh phía Bắc thời vụ trồng cam quýt là mùa xuân hoặc mùa thu. Nhưng tốt nhất là trồng vào mùa xuân hoặc đầu mùa mưa.

3. Mật độ: Mật độ trồng nên 4 x 5 m.

4. Kỹ thuật trồng

+ Đào hố và chuẩn bị phân bón: Ở các vùng núi và trung du, hố trồng cam có kích thước 0,8 x 0,8 x 0,8m hoặc 1 x 1 x 1m, khi đào hố cần lưu ý để lớp đất mặt về một phía, lớp đất phía dưới về một phía. Sau khi đào hố xong, hố được phơi khô ít nhất là 1 tháng, dùng 1kg vôi bột rắc xung quanh hố. Ở các vùng đất cứng, thoát nước kém hố đào sâu có thể trở thành vũng nước mưa, gây nghẹt rễ, cần có biện pháp thoát nước. Các vùng đồng bằng có mực nước ngầm thấp nên lên luống cao, tránh úng nước.

Mỗi hố bón từ 50- 80kg phân chuồng hoai mục + 1kg P2O5 + 5 - 10 kg xỉ than trộn với lớp đất phía dưới cho vào hố, lớp đất mặt + 100g urê + 100g K2O5. Trồng xong nên phủ gốc để chống thoát hơi nước và cỏ dại, phủ cách gốc 10cm.

+ Chăm sóc

Làm cỏ: Cỏ xung quanh gốc cần được nhổ sạch. Phần đường lô nên chỉ cắt cỏ để giữ ẩm, chống xói mòn đất và là nơi cư trú của côn trùng có ích trong vườn cam.

Bón phân: Bón phân nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây bao gồm nguyên tố đa lượng (N, P, K, Ca), các nguyên tố vi lượng (Bo, Cu, Zn, Mn, Mg…) để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh hại. Hàng năm cần bón bổ sung 30- 40kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ/cây kết hợp với bón phân hoá học. Cách bón: Đào rãnh sâu 25-30cm theo tán cây, bón rồi lấp đất lại và tưới nước. 

Tỉa cành tạo tán: Sau khi trồng cây đã ổn định tiến hành cắt cành ngọn để tạo tán cho cây phát triển thành 3-4 cành cấp I theo 4 hướng, từ mỗi cành cấp I lại để 3-4 cành cấp II…

Các cành vượt cũng thường xuyên cắt tỉa (chú ý cắt sát thân cành để tạo mô sẹo).

Cành mang quả nhiều cũng cần tỉa quả để quả phát triển đồng đều.

Tưới nước: Sau khi trồng nên tưới nước 2-3 lần nếu trời không mưa để tạo điều kiện cho rễ phát triển. Những nơi có hệ thống tưới cần chú ý tưới cho cây ở thời kỳ phát lộc hoặc sau các đợt bón phân.

Chống tái nhiễm bệnh: Thường xuyên thăm vườn, cắt cành hoặc chặt bỏ cành, cây có triệu chứng bệnh greening và các bệnh virus khác.

Phun thuốc trừ sâu nội hấp khi phát hiện rầy chổng cánh (Diaphorina citri) môi giới truyền bệnh greening và rệp aphid môi giới truyền bệnh Tristeza (chú ý các đợt lộc).

Phòng trừ tổng hợp các loại sâu bệnh: Trong vườn cây có múi nhiều loại sâu bệnh khác như: sâu đục thân, sâu vẽ bùa, nhện, bệnh loét, bệnh chảy gôm… Các loại sâu bệnh này chỉ có thể phòng trừ có hiệu quả bằng việc áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp.

 

(Theo BAONONGNGHIEPVN)


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét